Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 159/2018 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Đề xuất nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm không phải thực hiện quy định về khoáng sản
Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo là đề xuất chưa áp dụng các quy định về khoáng sản đối với chất nạo vét, duy tu trong vùng nước cảng biển và vùng nước trong thời gian chưa có hướng dẫn kỹ thuật đánh giá, phân tích thành phần, hàm lượng, khối lượng khoáng sản cũng như chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn chất nạo vét tận dụng vào mục đích san lấp, xây dựng và mục đích khác.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi nội dung quy định về quản lý chất nạo vét. Theo đó, chủ đầu tư các dự án nạo vét, duy tu trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa không thực hiện theo hình thức nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm quy định tại Nghị định mới sẽ không phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật đánh giá, phân tích thành phần, hàm lượng, khối lượng khoáng sản đối với các dự án, công trình nạo vét, duy tu trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo quy định hiện hành, việc thu hồi tài nguyên, khoáng sản thông qua hoạt động nạo vét thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản, các quy định về công tác thi công, đổ chất nạo vét và phương án bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động nạo vét.
Doanh nghiệp kêu trời
Theo Cục Hàng hải VN, với công trình nạo vét sử dụng phương án đổ chất nạo vét trên bờ, doanh nghiệp cảng, các tổ chức cá nhân có bãi chứa chất nạo vét hiện nay đang phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với việc sử dụng khối lượng chất nạo vét để san lấp theo quy định về sử dụng tài nguyên, khoáng sản.
Cụ thể, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh đã đề nghị áp dụng Luật Khoáng sản và thu thuế đối với 22 doanh nghiệp đã nạo vét, duy tu khu nước trước bến, cảng biển có sử dụng khối lượng vật liệu nạo vét để san lấp, thời điểm áp dụng từ năm 2018.
Thời gian qua nhiều hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển đã có những kiến nghị, đề xuất không áp dụng Luật khoáng sản với vật chất nạo vét.
Một chuyên gia lĩnh vực hàng hải nhận định, nạo vét là hoạt động để phục vụ hoạt động của cảng, mang tính duy tu công trình để duy trì độ sâu trước bến phù hợp, đảm bảo an toàn khi tiếp nhận tàu thuyền vào, rời cảng.
Vật chất nạo vét chỉ là sa bồi dạng bùn lỏng, sệt, không phải khoáng sản hay vật liệu xây dựng nên không thể áp dụng Luật Khoáng sản.
“Việc áp dụng thu thuế khoảng sản nên phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể”, vị chuyên gia khẳng định.
Theo đại diện Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải VN (Visaba), các cảng không có chức năng khai thác khoáng sản, cũng không được hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng cho các doanh nghiệp về việc phải đóng các khoản thuế phí theo pháp luật về khoáng sản.
Cũng vì bùn thải đang bị xem là khoáng sản nên phát sinh hàng loạt vướng mắc dẫn đến doanh nghiệp cảng không thể hoàn thành hồ sơ xin triển khai duy tu nạo vét thủy diện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh khai thác cảng và an toàn hàng hải.