Các cảng biển khu vực II và đồng bằng sông Cửu Long mới mở tuyến container có thể được áp dụng khung giá bốc dỡ container bằng 80% khung giá quy định.
Khuyến khích chủ tàu mở tuyến container
Theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lấy ý kiến,một số cảng biển có thể được áp giá bốc dỡ container thấp hơn quy định.
Cụ thể, với các tuyến container mới tại các bến cảng khu vực II (nhóm cảng biển số 2, 3) và các bến cảng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp cảng được phép áp dụng khung giá bằng 80% khung giá quy định của Thông tư trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chính thức mở tuyến mới.
Cục Hàng hải VN lý giải, quy định này nhằm mục đích khuyến khích chủ tàu mở tuyến dịch vụ container khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
“Hiện nay, tuyến dịch vụ container vào các nhóm cảng biển này còn thấp, dự thảo bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp giảm chi phí để khuyến khích các hãng tàu mở tuyến dịch vụ container tại các khu vực này”, Cục Hàng hải VN cho hay.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, hiện nay, một số địa phương tại khu vực miền Trung đang có những chính sách nhằm thu hút các hãng tàu container mớ tuyến qua cảng như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế.
Các địa phương có chính sách thí điểm hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để thu hút hãng tàu mở tuyến container.
Tiêu biểu tại Hà Tĩnh, các hãng tàu vận chuyển container thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng được hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến.
Các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng được hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet hoặc 1.000.000 đồng/container 40 feet.
Nhóm 2 gồm 6 cảng biển: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Nhóm 3 gồm 8 cảng biển: Đà Nẵng (gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (gồm khu vực huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận và Bình Thuận.
Các cảng biển tại ĐBSCL thuộc nhóm 5, gồm 12 cảng: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Tại Thừa Thiên – Huế, hãng tàu biển, đại lý hãng tàu hoạt động kinh doanh vận chuyển container thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 210.000.000 đồng/chuyến
“Mở một tuyến tàu container rất vất vả, có khi 5-7 năm mới thành công”
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt (tỉnh Hà Tĩnh) bày tỏ sự đồng tình với quy định này.
Theo ông Tuấn, chính cảng Lào – Việt hiện cũng đang chấp nhận lỗ để thu hút các hãng tàu mở tuyến container qua cảng. Mở tuyến container từ tháng 4/2021, hiện nay, cảng đang đón khoảng 3 chuyến tàu container/tháng với mỗi lần bốc xếp khoảng 40-80 container.
Các chi phí như cầu, bến, đại lý… đều được cảng giảm “sát ván”. Thậm chí, chi phí bến bãi được cảng miễn phí cho các khách hàng.
“Riêng giá bốc dỡ container không hạ được vì phải theo quy định tại Thông tư 54/2018. Do đó, cảng chỉ áp mức giá tối thiểu”, ông Tuấn nói và cho rằng, nếu các cảng được giảm giá dịch vụ sẽ là cơ hội tốt để thu hút các chủ hàng, chủ tàu, do “mở một tuyến tàu container rất vất vả, có khi phải 5-7 năm mới thành công”.
Nói về vấn đề cạnh tranh, lãnh đạo Cảng quốc tế Lào – Việt cho biết, tại khu vực miền Trung, không có nhiều cảng nên tính cạnh tranh ít. Nhưng tại một số khu vực, nếu áp quy định này có thể dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh nên đây là bài toán cần cân nhắc.
Cũng đánh giá việc triển khai các tuyến tàu container ra vào cảng không đơn giản, ông Huỳnh Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho rằng, quy định mới có thể tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cảng tại khu vực thu hút hãng tàu, chủ hàng.
Hiện Cảng Chân Mây cũng đang áp giá ngang mức tối thiểu theo khung giá quy định.
“Tuy nhiên hiện nay, mức thu từ hàng container vẫn khá thấp trong bối cảnh doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị, hạ tầng tốn kém”, ông Toàn chia sẻ.
Nguồn: baogiaothong.vn